THÔN TRUNG LANG - XÃ NAM HẢI
Theo truyền thuyết thì Vua An Dương Vương là cháu ngoại của vua Hùng Vương thứ 18, vì Vua Hùng Vương thứ 18 không có con trai nối ngôi nên Vua nhường cơ nghiệp họ Hùng cho cháu ngoại Vua họ Thục là Phán. An Dương Vương là vị Vua đầu tiên kế nghiệp họ Hùng, người đã có công thống nhất hai bộ tộc người Việt là Âu Việt và Lạc Việt thành lập nước Âu Lạc vào khoảng cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên cách ngày nay khoảng 23.000 năm. Lúc đó bên Trung Quốc Tần Thủy Hoàng đã thống nhất được Trung Quốc và sai tướng quân Đồ Thư đem quân sang xâm lược nước ta. Trước sức ép của nạn ngoại xâm và sự suy yếu của triều Hùng thứ 18, yêu cầu hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt cần thiết phải có một thủ lĩnh có tài thao lược thống nhất được hai bộ tộc để chống ách ngoại xâm, bảo vệ độc lập và sự tồn tại của mình. Thục Phán đã xuất hiện và ông đã đảm đang được vai trò đó. Sau khi chống quân Tần thắng lợi ông trị vì 50 năm và tiếp tục lãnh đạo nước Âu Lạc chống lại sự xâm lược của triều Tây Hán của Trung Quốc. Ông đã cho xây dựng thành Cổ Loa. Sau này nhà Hán sai Triệu Đà sang xâm lược, Triệu Đà đã dùng mẹo ly gián vua tôi. Vì mất cảnh giác nên bị Triệu Đà đánh úp, Thục An Dương Vương mất nước phải nhảy xuống sông tự tử. Các triều đại Nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam đều truy tặng ngài là Nam Hải đại vương. Thục An Dương Vương được suy tôn là một trong các vi Vua anh hùng của dân tộc ta buổi đầu dựng nước. Để ghi nhớ tới công lao của ngài nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ để lưu truyền mãi mãi.
Đền thờ An Dương Vương – Làng Trung Lang - xã Nam Hải được xây dựng cách đây trên 200 năm. Quy mô kiến trúc là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, xây dựng theo kiểu "Tiền nhị, hậu đinh" phần ngoài là tòa bái đường 5 gian tiếp đến là tòa trung tế 3 gian và tòa hậu cung 2 gian, đây là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, là không gian văn hóa thực hành Tín ngưỡng. Năm 1999 Đền được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa qua đó đã khẳng định được giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và lưu giữ tại đền, xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nơi cấu kết cộng đồng, làng mạc, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ
Đền thờ An Dương Vương đã xây dựng khá lâu do ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá và phong hoá của thời gian Đền đã xuống cấp, nhiều lần đã được nhân dân địa phương trùng tu cải tạo để là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay ngôi đền cơ bản đã được trùng tu cải tạo vững chắc và đẹp đẽ.